Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXII Mùa Thường Niên (Lc 5,33-39) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 5,33-39

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Cr 4,1-5

Thưa anh em, chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô.

Đức Giêsu thường tự gán cho mình danh hiệu “đầy tớ”. Phaolô lấy lại danh hiệu ấy như một tước hiệu vinh quang. Phần tôi, tôi có thực sự là đầy tớ của Đức Kitô không?

Và là những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Thật là cao cả và đáng run sợ biết bao! Các thừa tác viên, trong Hội Thánh, nắm trong tay trách nhiệm ấy: Tất cả các phương tiện để thông ơn sủng, giáo lý và các nhiệm tích … các mầu nhiệm của Thiên Chúa!

Họ đã lãnh nhận, rồi phân phát lại cho mọi người. Họ đâu có phép chiếm hữu các sự ấy. Họ sẽ tính sổ để hoàn trả lại, như Đức Giêsu đã nói: (Mt 24,45-51).

Và người ta đòi hỏi ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành.

Phải tỏ ra trung thành, trong việc quản lý tài sản người khác. Đáng được người khác tín nhiệm … một cách vô vị lợi.

Người được Thiên Chúa tin cậy. Người của Thiên Chúa. Đề cao các quyền lợi của Người. Ngày nay, người ta không còn coi trọng đức tính trung thành. Người ta chế nhạo nó khắp nơi. Nhưng khi ta đột xuất gặp một bất trung, lúc đó ta mới biết nó là một giá trị căn bản biết bao. Ước gì các Tông đồ luôn trung thành với Tin Mừng: Ước gì họ đừng thích nghi sứ mệnh theo thị hiếu thời đại, theo các ý thức hệ chóng qua … Lạy Chúa, xin ban cho tất cả các Tông đồ của Người, linh mục cũng như giáo dân, lòng kiên trung với điều Người muốn.

Đối với tôi, dù có bị anh em hay người đời xét xử tôi cũng chẳng coi là gì, mà tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.

Điều này còn đi rất xa.

Phaolô vừa ca ngợi phẩm giá cao sang của các tín hữu. “Tất cả thuộc về anh em, Phaolô hay Apôllô hay Kêpha, thế gian, sự sống và sự chết, hiện tại và tương lai. Tất cả đều thuộc về anh em …”. Nhưng không phải do đó mà các Kitô hữu tự cho mình có quyền xét xử các Tông đồ của họ. Bởi vì các thừa tác viên sẽ tính sổ với Thiên Chúa.

Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi, chính là Thiên Chúa.

Khi Phaolô rút lại quyền xét xử anh em khỏi một người nào, dù kẻ ấy là thừa tác viên, thì đó không phải là cách thức để che đậy mình khỏi ai xét xử, mà hành động theo sở thích, không phải vậy đâu, ông còn có lương tâm! Nhưng lương tâm không phải là trước cộng đồng, không phải trước chính mình, nhưng trước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con có được tư tưởng ấy trong các trọng trách của chúng con.

Vậy, xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, nhưng hãy đợi ngày Chúa đến, chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì uẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày ra những ý định trong thâm tâm con người.

Đức Giêsu đã lặp lại: “Anh em đừng xét đoán!” (Mt 7,1; Lc 6,37). Phaolô thêm vào đó một sắc thái căn bản: đừng đoán xét, bởi vì sự xét xử của anh em luôn đi “trước kỳ hạn” … anh em không biết tất cả để có một sự xét đoán đứng đắn, anh em không biết rõ những chủ tâm thầm kín của các kẻ anh em xét đoán. Đúng vậy, khi xảy đến cho ta là bị xét đoán sai, chúng ta biết ngay rằng kẻ chỉ trích ta chưa có đủ yếu tố để xét đoán.

Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.

Phaolô và các Kitô hữu tiên khởi, đã thực sự hướng về sự chờ đợi này, hướng về ngày mà mọi sự cuối cùng sẽ được tỏ rạng. Ngày hạnh phúc, ngày mà các giá trị chưa được biết đến của ta, sẽ lãnh nhận “khen thưởng đích đáng cho mỗi người”: ngày của sự thật mà tất cả cái đẹp giấu ẩn, sẽ được tỏ rạng như ban ngày … mà ta chưa biết nhận xét cho đủ.

Bài đọc II: Cl 1,15-20

Trang sách chúng ta sắp suy niệm hôm nay là một Thánh Thi, chắc chắn được các Kitô hữu tiên khởi hát lên, bởi vì nó có nhịp điệu như một bài thơ ca ngợi sự cao cả phổ quát của Chúa Kitô, trong trật tự tạo dựng và Phục Sinh, xoay quanh trụ cột lịch sử là Thánh giá.

Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình nhân loại đã được làm theo khuôn mẫu này (St 1,26).

Và trong Cựu ước, vài điều thuộc mầu nhiệm Đức Kitô đã được loan báo trong sách khôn ngoan, là “phản ánh của sự sáng hằng có, là gương không tỳ ố rọi lại hành động của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa toàn thiện” (Kn 7,26).

Chúng ta biết, việc Thiên Chúa “vô hình” là vấn nạn lớn lao gây nhức buốt cho chúng ta! Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã hiểu rõ điều đó, và đã cho chúng con được “giống như Chúa”, cho chúng con được thấy tình yêu của Chúa.

Là trưởng tử mọi tạo vật.

“Sinh trước mọi tạo vật”, Ngôi Lời Thiên Chúa, sự Khôn Ngoan của Chúa, tiền hữu từ muôn thuở (Cn 8,22-26). Ngôi vị Chúa Kitô vùi rễ trước khi thời gian bắt đầu: đây là một vực thẳm người ta chìm mất trong đó.

Vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình. Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người trong Người.

Các kiểu nói chen lấn và bổ túc nhau: Mọi sự trong Người, bởi Người và vì Người! Người là nguồn, là sông, là biển của mọi sự. Người là động lực hoàn vũ, hành động ngay trong mọi tạo vật: Chúa Kitô hiện diện khắp nơi, Chúa Kitô sống động rộng rãi, Chúa Kitô men của thế giới, “tụ điểm mọi sự đều quy hướng tới”.

Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người.

Ưu quyền tuyệt đối của Chúa Kitô, trong trật tự thời gian (“trước mọi loài”) cũng như về phẩm cách (“vượt trội mọi loài”).

Mọi sự được tạo thành … tồn tại … trong Người.

Thật tốt đẹp để một lần nữa chúng ta nghĩ tới việc tạo dựng vẫn còn tiếp diễn! Trước hết đây không phải là cái búng tay ban đầu đã từ lâu ném ra các sinh vật … mà là mối dây liên kết còn tiếp nối và luôn hiện diện hôm nay của mỗi vật thể đối với tác giả của nó. Lúc này, Chúa Kitô đang tạo thành tôi, tôi tồn tại trong Người. Và chắc chắn điều đó luôn xác thực đối với mọi vật, Chúa Kitô là nguyên lý liên kết và điều hợp của cả vũ trụ.

Vũ trụ là một cơ năng lớn hiệp nhất, thân thể Chúa Kitô đang không ngừng tự kiến tạo.

Người là đầu thân thể, tức là Hội Thánh.

Hình ảnh cái đầu muốn diễn tả “sự phân biệt” giữa Chúa Kitô và việc tạo dựng: không có sự lẫn lộn. Chúa Giêsu, dấu liên kết mật thiết và sống động với toàn thể nhân loại, vẫn phân biệt với nó, như đầu khác biệt với thân, để đưa dẫn, linh hoạt … cứu vớt nó! Việc nhắc nhở tới Hội Thánh ở đây mở đầu tiết thứ hai của Thánh Thi. Sau cuộc tạo dựng mới mà Chúa Kitô hành động, này đây là sự can thiệp siêu nhiên của Thiên Chúa qua Hội Thánh mà Chúa Kitô vẫn là Đầu.

Người là nguyên thủy và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người.

Thế giới tiến về một sự hoàn thành viên mãn mọi sự đều tiến lên! Hướng tới cuộc sống viên mãn, tới sự Phục Sinh hoàn toàn mà Chúa Giêsu là trưởng tử.

Thiên Chúa đã giao hòa vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa ban hòa bình trên trời đất.

Mọi sự! Ơn cứu rỗi mọi người! Cuộc giao hòa phổ quát!

Nhờ thập giá của Người, nhờ tình yêu đến cùng của Người, nhờ máu tế hiến của Người.

BÀI TIN MỪNG: Lc 5,33-39

Những người Pharisêu và kinh sư nói với Đức Giêsu rằng: “Môn đệ của ông Gioan thường ăn chay cầu nguyện, môn đệ của người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ của Ông thì ăn với uống”.

Trong Cựu ước, ăn chay và kiêng cữ rượu chè là dấu chỉ khổ hạnh, liên hệ đến việc trông đợi Đấng Cứu Thế. Đó là những biểu tượng, con người dùng để diễn tả: “Thời đại thật xấu xa. Chúng tôi không hài lòng. Chúng tôi không thích sống … Khi Đấng Cứu Thế đến, đó mới là thời của an ủi, của niềm vui”.

Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rễ còn ở với họ?”.

Câu trả lời thật rõ ràng. Thời đại cứu thế đã đến. Thời của niềm vui bắt đầu.

Thời gian cứu độ không thể ngừng lại! Thời gian vui mừng sống thân mật với Đức Giêsu không thể đóng kín!

Tại sao các Kitô hữu hãy tỏ ra như những người sầu khổ, khi họ đang có một nguồn vui kỳ diệu nhất: “Chàng rể ở với họ?”.

Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi, ngày đó họ mới ăn chay.

Lúc đó, ăn chay mang một ý nghĩa mới, hoàn toàn nhắm tới việc tưởng nhớ Tân Lang, đã đi xa. Như thế, “niềm vui” sâu xa nhất của ta nên đặt nền tảng hoàn toàn trên sự hiện diện hay vắng mặt của Đức Giêsu. Trọn cuộc đời ta sẽ diễn tiến theo hai dấu chỉ đó. Biết bao vui buồn, sướng khổ ta chịu cũng không đáng gì!

Đức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

Mác-cô và Mát-thêu chỉ lưu ý: vá chiếc áo cũ thì không ích lợi gì, vì vải mới sẽ xé áo cũ. Còn Luca lý luận triệt để hơn: giữa cái mới và cái cũ, hoàn toàn không hợp nhau … xé một chiếc áo mới để sửa lại một chiếc áo cũ, chỉ làm hại cả hai!

Đức Giêsu hiểu rõ, Người mang đến một điều mới mẻ triệt để: thế giới cũ đã qua đi rồi. Tại sao người Kitô hữu lại thường tỏ ra như những người hay hướng về quá khứ? Phần tôi, tôi hay hướng về quá vãng hay nhắm đến tương lai?

Một cuộc mạo hiểm kỳ diệu còn đang ở “phía trước” tôi. Còn nhiều việc phải làm để trái tim tôi được “mới mẻ”, để tôi khám phá ra nhiều hơn tình yêu của bạn bè, người bạn đường, hay con cái tôi. Không, không có gì ngừng lại được, không có gì đã kết thúc. Công việc truyền giáo mới chỉ là khởi sự. Giáo Hội chỉ mới đi được những bước đầu trong sứ vụ này.

Tôi vui mừng trong khiêm tốn và âm thầm, để khám phá ra bản chất đích thực của Thiên Chúa, ngay trong lúc này, đang canh tân, làm “điều mới lạ”.

Ngay tuổi già cũng có thể vẫn là một “sự sống đang lên”. Ngày sinh đích thực của tôi, chính là “ngày mai”, khi cuối cùng, tôi sẽ bước vào sự sống. Tôi có luôn hướng tới ngày tái sinh đó không?

Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải đổ vào bầu mới.

Trong dụ ngôn nhỏ bé mới mẻ này, Luca vẫn còn nhấn mạnh đến tính không phù hợp. Tin Mừng loại trừ sự thỏa hiệp: một chút của Đạo cũ, với một chút của Đạo mới … Dù vẫn là một điều mới mẻ: Thiên Chúa làm người!

Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “rượu cũ ngon hơn”.

Dùng hình ảnh đối nghịch, nhưng đúng ra chỉ nhằm nêu lên một bài học: Sau khi đã thưởng nếm “rượu ngon”, ta không thèm rượu kém hơn nữa … mùi vị của chúng không phù hợp! Ta hãy dừng lại trên từ “ngon”. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con rượu của Chúa.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Tranh luận về việc ăn chay.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. ”Họ nói với Người …”

 Những người biệt phái vì không ưa Chúa Giê-su, nên khi thấy các môn đệ và Chúa Giê-su không ăn chay theo kiểu những người đạo đức thời bấy giờ nên tỏ vẻ khó chịu và hạch sách Chúa. Cái sai lầm của biệt phái ở đây là:

- Đòi hỏi người khác phải giống như mình làm, mình nghĩ, và mình muốn.

- Chỉ xét đoán hình thức bên ngoài là không ăn chay, chứ không nhận ra ý nghĩa bên trong của việc ăn chay có ý nghĩa gì và tại sao các môn đệ của Chúa Giê-su lại không ăn chay, đây là sự sai lầm do óc chủ quan.

* Rút kinh nghiệm trên đây, chúng ta cần quảng đại để tôn trọng việc của người khác khi thấy họ không giống mình hoặc họ không như mình nghĩ hoăc mình muốn.

*Rút kinh nghiệm trên đây, chúng ta đừng xét đoán theo góc chủ quan, nhưng phải tìm ngọn nguồn của sự việc để nhận định đúng tình và hợp lý.

2. “Chẳng lẽ các ông lại bắt khách dự tiệc cưới ăn chay!”:

- Tiệc cưới ở đây là hình ảnh ám chỉ thời cứu độ như đã chép trong I-sai-a (62,5; 61,10), vì thế có Đức Giê-su hiện diện, thái độ của các môn đệ cũng phải chiếu tỏa niềm vui cứu độ đó.

Ý nghĩa này giúp ta nhận ra: có Chúa hiện diện là có niềm vui, có hạnh phúc: vì “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà…” Chỉ có đức tin, lòng cậy và tình yêu mến Chúa mới tạo cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc khi chúng ta đến với Chúa trong những giờ cầu nguyện, những việc đạo đức và nhất là khi lãnh nhận các phép bí tích.

3. “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay “:

Chúa Giê-su có ý nói trước về cái chết của Người. Từ ngày Chúa vào vinh quang, Hội Thánh vẫn truyền giữ một số những ngày chay trong khi chờ mong Chúa trở lại. An chay theo tinh thần mới này là để sám hối, đền tội. Để được xứng đáng với Chúa và được hưởng niềm vui của Chúa, chúng ta cần phải chay tịnh bằng cách khổ chế, hy sinh và hãm mình để chế ngự nết xấu và nâng cao tinh thần mến Chúa yêu người.

4. Chúa Giê-su đã dựa vào dư ngôn vải mới với áo cũ và rượu mới với bình da cũ để trình bày về giáo huấn: cần phải thay đổi tinh thần và nếp sống cho phù hợp với tinh thần của Chúa:

- Cần phải đào tại bản thân và canh tân nếp sống cho phù hợp với danh nghĩa và phẩm giá của người kitô hữu là con cái Thiên Chúa, chứ đừng nuông chiều theo con người cũ, theo những đam mê của thế gian và xác thịt, khiến cho phẩm giá người kitô hữu bị biến chất.

- Cần giữ vững tinh thần duy trì, bảo vệ và phát triển đời sống thánh hiến kẻo trở lại nếp sống cũ theo tinh thần thế gian và xác thịt.

- Người kitô hữu cần nêu cao tinh thần công bình, bác ái và thương người hơn những lương dân chưa tin vào Thiên Chúa là Cha và đầy tình thương yêu.

- Hình ảnh vải mới vá vào áo cũ cũng như hình ảnh rượu mới đổ vào bình da cũ cho chúng ta nhận thức rằng:

* Đức tin phải đi đôi với việc làm, vì đức tin không có việc làm là đức tin chết!

* Đức tin phải đi đôi với cuộc sống và cuộc sống phải phản ảnh niềm tin. Đó là sự hoà hợp và thống nhất của đời sống kitô hữu ở trần gian.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.